Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (thường gọi chị Chín) ở thị trấn Giồng Trôm, đất nhà không nhiều, chỉ trồng được mười cây dừa. Dân gian có câu: “Trong cái khó ló cái khôn”, từ đó, chị nghĩ ra mô hình trồng rau trên bè trong mương vườn, nhằm cải thiện bữa ăn hàng ngày cho gia đình.


Dễ làm, ít tốn kém

Nhà có sẵn hai tấm thiếc cũ (mỗi tấm dài 3m, rộng 1m), chị Chín xuất ra một ít tiền để mua thêm “vật tư” như 6 chiếc bình nhựa (loại 20 lít) để làm bè nổi, tạo mặt bằng trồng rau xanh. Ngoài ra, còn có vài khoanh dây kẽm và một số tre, trúc để kết bè, làm trụ. Chị bồi đất bùn có sẵn dưới mương lên bè, cho thêm tro trấu, phân rác đã hoai mục trộn vôi bột. Tất cả với khối lượng nặng vừa phải, nhằm không cho bè bị chìm. Chị trồng hành, có khi trồng hỗn hợp rau muống, rau dền, cải các loại... Chừng 6m2 cũng đủ phục vụ cho cả nhà với “ba miệng ăn”. Tag: phần mềm quản lý ao

Rải rác một số tỉnh bạn, cũng có một số nông dân trồng rau màu theo mô hình này, nhưng họ làm bè bằng nhiều thùng xốp kết lại. Có người không có điều kiện thì làm bằng bè chuối. Nhưng loại bè sử dụng được lâu bền nhất là làm bằng tre, nứa. Dù thiết kế bằng vật liệu gì cũng nên cột bè vào cây trụ hơi lỏng, để khi nước lớn - ròng, bè được nổi lên, hạ xuống dễ dàng. Điều đáng chú ý là chọn nơi neo bè dòng nước không chảy xiết để tránh bứt dây neo, bè va vào vật cứng, cọc nhọn sẽ bị hư tổn. Đồng thời, ta phát quang cho có ánh sáng quang hợp như trồng theo tự nhiên trên bờ. Nếu trồng rau muống nước, rau muống cạn... trong ao hồ, sẽ là điều kiện vô cùng lý tưởng. Vì ngoài cung cấp rau sạch trong bữa ăn hàng ngày cho con người, còn là chỗ trú nắng và làm thức ăn cho cá. Tag: phần mềm quản lý trang trại

Trồng rau trên bè không cần kiến thức nhiều, hay ứng dụng khoa học công nghệ cao. Người già, trẻ đều có thể làm được. Riêng rau muống cạn, trồng xuống chừng 3 tuần là có thể cắt vào ăn. Nên cắt sát gốc để rau nhanh “bắn” tược; sau đó ít ngày pha một ít phân u-rê vào nước, tưới “bồi dưỡng” cho chúng là được. Đồng thời, bồi một lớp bùn phù sa mỏng vào gốc. Cũng có nông dân trồng rau trên bè với diện tích lớn nhằm có thu nhập, họ sử dụng phân NPK và một vài loại phân khác.

Mô hình cần được nhân rộng

Chị Chín chia sẻ, trồng rau màu dưới nước ít bị sâu rầy, côn trùng phá hại hơn trên bờ. Mặt khác, nhờ có hơi nước bốc lên, độ ẩm vừa phải, rau màu cũng tươi tốt, ngon, giòn hơn. Từ độ ẩm nhất định, người trồng không phải mất nhiều thời gian cho việc tưới tiêu như trồng trên bờ. Tuy nguồn lợi không lớn, song trong quá trình kết bè, gieo trồng đến thu hoạch là một niềm vui hàng ngày. Hơn nữa, có rau sạch, gia đình cảm thấy yên tâm về an toàn thực phẩm nên ăn cơm ngon miệng hơn. Tag: quản lý trang trại trực tuyến

Đất ít, nên mương vườn nhà chị Chín dài không quá 30m. Vậy mà chị tận dụng đặt một chiếc đụt bắt cá tép, rồi lại làm bè trồng rau màu như nói trên. Cho thấy đúng là “tấc đất tấc vàng” như ông bà ta từng nói. Ngoài ra, trồng rau màu ở nhà để có cái ăn, lại sử dụng triệt để “của trời cho” trên mặt nước một cách hữu hiệu.

Dù nhà chị Chín ở vùng quê, lại nằm trên con đường vắng, nhưng “tiếng lành đồn xa”, nhiều người đã đến nhà chị để học tập mô hình trồng rau màu này. Đây là tín hiệu đáng mừng. Vì sức khỏe cộng đồng cũng như những tiện ích khác, tin rằng mô hình này ngày càng được phổ biến, nhân rộng.

Nguồn: 2lua.vn/article/trong-rau-mau-tren-be-5ba09f44425cc52a239cf37a.html